
VITAMIN VÀ SỨC KHỎE
Thứ Hai, 28/09/2015 00:00 SA
Một chế độ dinh dưỡng phong phú sẽ cung cấp cho chúng ta tất cả những vitamin cần thiết với hàm lượng vừa đủ. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn sống, cơ thể cần bổ sung nhiều loại vitamin nhất định - chẳng hạn như khi vừa mới trải qua một chấn thương nghiêm trọng hay một ca phẫu thuật, bị nhiễm trùng nặng, bị thiếu máu, uống rượu bia, hút thuốc, hoặc có chế độ ăn uống kiêng khem hay bất thường. Song, chúng ta lại hiếm khi nhận biết được sự thiếu hụt này.
Vitamin tổng hợp có thể giúp bạn không bỏ lỡ những dưỡng chất thiết yếu do chế độ ăn "nghèo nàn" (không đa dạng trong các nhóm thực phẩm) hoặc để chắc chắn rằng bạn nhân đủ chất dinh dưỡng khi cơ thể cần nhiều hơn mức bình thường.
Vai trò của vitamin
Mặc dù vitamin không chứa calo nhưng rất cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển thể chất và hỗ trợ cho nhiều phản ứng hóa học của cơ thể. Cơ thể cần có vitamin để sử dụng năng lượng từ thức ăn cũng như chuyển hóa protein, carbohydrat,và chất béo. Viatmin cũng đóng vai trò nhất định trong quá trình hình thành tế bào , mô và các cơ quan.
Tình trạng thiếu vitamin
Tình trạng thiếu vitamin được chia thành 2 loại là sơ cấp và thứ cấp
Thiếu vitamin sơ cấp xảy ra do không nhận được vitamin từ thực phẩm
Thiếu vitamin thứ cấp có thể là do một nguyên tố nào đó thuộc về lối sống như hút thuốc, uống rượu bia quá mức, hoặc sử dụng một số loại thuốc làm cản trở sự hấp thu vitamin. Tình trạng thiếu vitamin còn có thể do một vấn đề tiềm ẩn nào đó, như là rối loạn tiêu hóa hoặc chứng hạn chế hấp thu vitamin.
Vitamin được phân làm hai loại: Vitamin tan trong dầu (các loại vitamin nhóm A,E,D và K)và Vitamin tan trong nước (các loại vitamin nhóm B và C). Vai trò của từng loại vitamin trong quá trình tham gia hoạt động chuyển hóa vật chất trong cơ thể:
- Vitamin A: Rất quan trọng đối với thị lực (loại trừ hiện tượng quáng gà), duy trì sự phát triển xương tốt, hệ thống sinh sản cân bằng và làn da khỏe mạnh, trung hòa các gốc tự do.
Vitamin A có nhiều trong gan, cá, sữa. Tiền vitamin A có nhiều trong cà rốt, rau xanh, quả mơ, dưa chuột, quả có màu vàng, ngô.
- Vitamin B1 (thiamin): Cần thiết cho quá trình trao đổi cacbonhydrat, tham gia trực tiếp vào hoạt động của một số enzym cung cấp năng lượng cho cơ thể, duy trì sự tăng trưởng cơ xương của trẻ em, bảo vệ sức khỏe hệ thần kinh, não, cơ bắp và tim.
Vitamin B1 có nhiều trong gạo, bột mì, bột đậu xanh, thịt gà, nấm.
- Vitamin B2(riboflavin): Cải thiện sinh lực, cần cho sự tạo thành da, tóc và móng, có khả năng chống nhiễm khuẩn, làm tăng tốc độ tái tạo máu, tác dụng đến sự phát triển của bào thai, cùng với vitamin A và B3 tham gia vào quá trình thu nhận ánh sáng và màu sắc.
- Vitamin B3(niacin và niacinamid): Có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa sinh năng lượng của cơ thể, tổng hợp tế bào và gen. Trong trường hợp thiếu hoặc cơ thể không tự tổng hợp vitamin B3 sẽ sinh ra bệnh Pllagra (gây viêm da, tiêu chảy, giảm trí nhớ).
- Vitamin B5(acid pantothenic):Giúp cơ thể chống nhiễm khuẩn, bệnh tật, hàn gắn các vết thương, giúp phát triển thần kinh trung ương, gắn liền với chức năng tuyến thuợng thận.
- Vitamin B6: Có vai trò quan trọng trong sự chuyển hóa acid amin, giúp cho da, răng, cơ và thần kinh khỏe mạnh, giúp hấp thu B12 để sản sinh kháng thể và hồng cầu.
Vitamin B6 có nhiều trong gan bê, thịt lợn, thịt gà, ngô...
- Vitamin B8(biotin, vitamin H): Là coenzym của tất cả gia đình enzym, tham gia vào quá trình tổng hợp lipit, axit béo, axit amin và đường trong sản xuất năng luợng.
- Vitamin B9(acid folic): Cần thiết cho sự phát triển tủy sống trong ba tháng đầu của thai kỳ để giúp phòng tránh tật nứt đốt sống.
Vitamin B9 (hay còn gọi là acid folic) có nhiều trong măng tây, rau xanh, đậu, gan, thịt gà, trứng
- Vitamin B12(cyanocobalamin): Kích thích sự tăng trưởng, cấu tạo hồng cầu ngăn ngừa thiếu máu, hình thành và tái sinh tế bào máu, giúp sắt hoạt động tốt hơn trong cơ thể và giữ vitamin A trong các mô của cơ thể.
Vitamin B12 có nhiều trong phomát làm từ thịt dê và thịt cừu, cá, quả hạnh nhân, cải xoong, dưa bắp cải, sữa tươi, sữa bột, sữa chua, sữa đậu nành, nước khoáng.
- Vitamin C(acid ascorbic): Tham gia quá trình tổng hợp chất colagen, là chất gắn kết các tế bào da, nứu răng, gân và xương, bảo quản phục hồi mô liên kết, xương và cơ. Kích thích làm lành vết thương, giúp hấp thu sắt, tham gia quá trình tạo máu, bảo vệ cơ thể chống nhiễm trùng, virut, vi khuẩn và độc tố, là một chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể.
Vitamin C có nhiều trong cam, chanh, bưởi, rau xanh, cải bắp, cải xoong, xoài, củ cải, hành tây, ớt ngọt, rau mùi, ổi...
- Vitamin D: Giúp cơ thể hấp thu calci và phospho để duy trì sự khỏe mạnh của xương, răng, da và tóc, vitamin D được dự phòng trong cơ thể ở dạng tiền vitamin trong lớp mỡ dưới da nhờ có tác dụng của tia tử ngoại (tắm nắng buổi sáng).
Vitamin D có nhiều trong cá, gan, lòng đỏ trứng, thịt lợn, chất béo của sữa.
- Vitamin E: Tham gia vào việc điều hòa quá trình sinh sản và gia tăng khả năng sinh sản của cả nam lẫn nữ. Vitamin E là một chất chống ôxy hóa rất mạnh, giúp trung hòa các gốc tự do có hại cho cơ thể, duy trì các thành tế bào, da, dây thần kinh, cơ, các tế bào hồng cầu ở tình trạng tốt. Vitamin E chỉ tích tụ môt thời gian ngắn trong cơ thể nên cần phải bổ sung thường xuyên để tránh tình trạng thiếu hụt vitamin E.
Vitamin E có nhiều trong bột mì, quả hạnh nhân
- Vitamin K: Có vai trò đặc hiệu trong cơ chế đông máu, bảo vệ hệ tuần hoàn, giúp ngăn chặn chảy máu bên trong và xuất huyết, giúp xua tan vết bầm. Vitamin K cần cho sự sản sinh protein để giúp răng, xương khỏe mạnh.